Cây bèo ong ( Salvinia Cucullata Roxb ) thuộc Họ : Bèo Ong (Salviniaceae) còn có tên gọi khác là Bèo Tai Chuột
Tên khoa học: Salvinia Cucullata Roxb. Xưa kia thường thấy bèo ong xuất hiện ở giếng nước, giếng làng. Bởi vì đặc tính của loài này là rễ không bị thối như bèo tây, không làm bẩn nước. Nên giếng có bèo ong nước thường rất sạch trong.
Là các loài thực vật thủy sinh nhỏ với các thân bò, tạo nhánh, có lông nhưng không có rễ thật sự.
Các lá mọc thành vòng 3, với 2 lá màu xanh lục, không cuống hay cuống ngắn, dẹt, mép lá nhẵn, nổi trên mặt nước.
Cái trông như rễ thực chất là lá thứ ba bị chia cắt mịn ra, có cuống, hình dáng giống như rễ và lòng thòng rủ xuống nước.
Lá mọc ngầm này mang các ổ túi bao tử, được bao quanh bằng các màng che phủ dạng màng nhầy đính gốc (bó các túi bao tử); bó các túi bao tử này có 2 kiểu, hoặc là mang các túi đại bào tử rất ít về số lượng (khoảng 10), mỗi túi chứa 1 đại bào tử, hoặc nhiều túi tiểu bào tử, mỗi túi chứa 64 tiểu bào tử.
Các bào tử của cả hai kiểu (đực/cái) và kích thước (nhỏ/lớn) đều có dạng hình cầu, ba tia (từ một bào tử mẹ thông qua phân bào giảm nhiễm tạo thành 4 bào tử con).
Các thể giao tử lớn và nhỏ lồi ra thông qua thành túi bào tử; các thể giao tử lớn trôi nổi trên mặt nước với các túi chứa noãn hướng xuống phía dưới còn các thể giao tử nhỏ vẫn đính vào thành túi bào tử.
( nguồn wikipedia )
Mô tả: Cây mọc ở nước. Lá không có cuống, mọc thành cụm dày, phiến lá hình tam giác, chiều rộng lớn hơn chiều dài, gốc hình nêm hay hình tim, đầu cụt, cuộn lại dọc theo sống lá, như tổ ong, mặt dưới có lông, mặt trên có những nhú xếp sít nhau.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Salviniae.
Nơi sống và thu hái: Phổ biến ở Ðông Dương Ấn Độ, trong các ao đầm. Thu hái toàn cây quanh năm.
Tính vị, tác dụng: Chưa có tài liệu nghiên cứu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Nhân dân thường dùng cây làm rau nuôi lợn. Cũng là cây thuốc dân gian có tác dụng lợi tiểu, tiêu độc. Thường dùng cây sắc nước uống.
( nguồn bách khoa Y Dược Việt Nam )